Tại trường mầm non Dũng Tiến, trẻ mẫu giáo được ăn hai bữa/ngày bao gồm 1 bữa chính trưa và một bữa phụ chiều trong đó bữa chính trưa là quan trọng nhất. Thông qua bữa ăn trưa, trẻ được bù đắp những năng lượng đã bị tiêu hao và cung cấp năng lượng mới để tham gia vào các hoạt động tiếp theo.
Trẻ có chế độ dinh dưỡng tốt sẽ là nền tảng cho sự phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần. Bữa ăn có vai trò quan trọng trong việc hình thành thói quen cho trẻ.Giờ ăn được tổ chức hợp lý và đúng giờ sẽ góp phần kích thích sự thèm ăn ở trẻ. Trẻ chủ động ăn nhanh hơn và hoạt động tiêu hóa ở trẻ cũng tốt hơn rất nhiều. Chính vì vậy nên chúng ta cần tổ chức bữa ăn cho trẻ một cách tốt nhất, sao cho tất cả các con ở lớp đều ăn ngon miệng, ăn hết xuất để có thể phát triển toàn diện.
Để đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ trong từng bữa ăn, khi chia ăn nên chia đều cơm và thức ăn theo đúng định lượng.Nhắc trẻ mời cô, mời bạn để tạo thói quen tốt cho trẻ. Tổ chức bữa ăn cho trẻ, với vai trò vừa là cô giáo, vừa là người mẹ thứ hai và cũng là người bạn thân của trẻ, luôn vui vẻ, gần gũi, trò chuyện với trẻ bằng những cử chỉ và lời nói ân cần.
Trong Khi ăn: Luôn chú ý nhắc nhở trẻ ngồi ăn đúng tư thế, cầm thìa bằng tay phải, tay trái giữ bát. Luôn tạo không khí vui vẻ, thoải mái, động viên trẻ ăn hết xuất, đồng thời giáo dục hành vi văn minh trong ăn uống như: Khi ăn xúc ăn gọn gàng, không nói chuyện, không cười đùa, không xúc cơm sang bát bạn, khi làm rơi cơm biết nhặt cơm rơi vào đĩa, khi ho hoặc hắt hơi biết lấy tay che miệng.
Như vậy, đối với trẻ mầm non, việc tổ chức bữa ăn của trẻ không chỉ đơn giản là thời gian tổ chức hoạt động ăn với các bước thực hiện theo các tiêu chí an toàn, sạch sẽ, tạo bầu không khí giúp trẻ ăn hết suất. Bên cạnh đó trong mỗi hoạt động ăn tại trường mầm non còn là cơ hội để trẻ thể hiện, rèn luyện và hình thành những kỹ năng sống, kỹ năng tự phục vụ và sinh hoạt văn minh, giúp phát triển toàn diện về nhân cách sau này cho trẻ.
Tác giả: Lâm Thị Thuỷ